Đầu tư tài chính là việc sử dụng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đầu tư nhằm mục đích sinh lời và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Để phòng ngừa phần giá trị bị tổn thất nếu chứng khoán của doanh nghiệp bị giảm giá hoặc các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác đang bị thua lỗ thì doanh nghiệp nên lập Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính. Vậy dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính được quy định cụ thể như thế nào? Sau đây, Chúng tôi xin được chia sẻ quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính tới quý khách hàng:
Căn cứ pháp lý: – Thông tư 48/2019/TT-BTC; – Thông tư 200/2014/TT-BTC;
1. Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán: Doanh nghiệp phải lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán riêng cho từng loại chứng khoán đầu tư, có biến động giảm giá tại thời điểm lập báo cáo tài chính và được tổng hợp vào bảng kê chi tiết dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, làm căn cứ hạch toán vào chi phí tài chính của doanh nghiệp.
a. Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm có đủ các điều kiện sau:
– Là chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước mà doanh nghiệp đang đầu tư. – Là chứng khoán được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm giá chứng khoán thực tế trên thị trường thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.b. Mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán được tính theo công thức sau:
Mức dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán = Giá trị khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm – Số lượng chứng khoán doanh nghiệp đang sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm x Giá chứng khoán thực tế trên thị trường
Trong đó: Giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định như sau: – Đối với chứng khoán đã niêm yết: giá chứng khoán thực tế trên thị trường là giá thực tế trên các Sở giao dịch. + Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX): Giá thực tế là giá giao dịch bình quân tại ngày trích lập dự phòng. + Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE): Giá thực tế là giá đóng cửa tại ngày trích lập dự phòng. – Đối với chứng khoán đã niêm yết nhưng bị hủy giao dịch: giá chứng khoán thực tế được xác định dựa theo giá trị sổ sách tại ngày lập bảng cân đối kế toán gần nhất. – Đối với chứng khoán chưa niêm yết, giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định: + Đối với các Công ty đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom): là giá giao dịch bình quân trên hệ thống tại ngày lập dự phòng. + Đối với các Công ty chưa đăng ký giao dịch ở thị trường giao dịch của các công ty đại chúng: là trung bình trên cơ sở giá giao dịch được cung cấp tối thiểu bởi ba (03) công ty chứng khoán tại thời điểm lập dự phòng. – Chỉ khi doanh nghiệp xác định được giá trị thị trường của chứng khoán thì mới được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán.
2. Dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính khác : a. Đối tượng được lập dự phòng đầu tư tài chính khác là các khoản đầu tư vào tổ chức kinh tế trong nước, không phải các khoản đầu tư chứng khoán theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 48 , doanh nghiệp đang sở hữu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm có cơ sở cho thấy có giá trị suy giảm so với giá trị đầu tư của doanh nghiệp.
b. Mức trích tối đa cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau:
Mức dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính | = | Vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế | – | Vốn chủ sở hữu thực có | x | Số vốn đầu tư của mỗi bên |
Tổng số vốn góp thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế |
Trong đó: – Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế: được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng. – Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế: được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế tại thời điểm trích lập dự phòng.
c. Thời điểm lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính là: thời điểm lập Báo cáo tài chính. – Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính. – Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được trích lập và hoàn nhập dự phòng ở cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
d. Việc trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng được thực hiện ở thời điểm lập Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau: – Số dự phòng phải trích lập = số dư khoản dự phòng => không cần trích lập khoản dự phòng. – Số dự phòng phải trích lập > số dư khoản dự phòng => trích thêm phần chênh lệch vào chi phí tài chính của doanh nghiệp. – Số dự phòng phải trích lập < số dư khoản dự phòng => hoàn nhập phần chênh lệch và ghi giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải thành lập Hội đồng để thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng và xử lý tổn thất thực tế của các khoản đầu tư tài chính, trong đó thành phần Hội đồng gồm: Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc), Kế toán trưởng, các trưởng phòng, ban có liên quan và một số chuyên gia (nếu cần). Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp quyết định thành lập Hội đồng.
Khi doanh nghiệp trích lập dự phòng đầu tư tài chính thì cần phải có Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và Quyết định của Hội đồng thẩm định về trích lập dự phòng đầu tư tài chính.
Chúc các bạn ngày mới!
Leave a Reply