ĐIỂM MỚI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC ÁP DỤNG TỪ 01/9/2021

Labor-Social Securities, Tax – Accounting – Finance, Tin tức – Sự kiện mới

Mới đây, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH (Thông tư 06/2021) đã được ban hành để sửa đổi một số quy định của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (Thông tư 59/2015) hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH). Theo đó, từ ngày 01/9/2021, sẽ có nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến người tham gia BHXH bắt buộc.

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/9/2021. Xem thêm chi tiết Thông tư dưới đây.

Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH 

1. Điều chỉnh về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư 06/2021 sửa đổi khoản 1 Điều 2 Thông tư 59/2015 nêu rõ: 

” Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.”

Cụ thể, điểm a, b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định về đối tượng như sau:

” Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…”

Như vậy, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà đồng thời là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng.

Đây là một quy định hoàn toàn mới mà trước đó, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa đề cập. 

2. Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ không trọn tháng

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư 06/2021 sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2015 như sau:

” Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức dưới đây nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng:

Mức hưởng ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày của những ngày lẻ không trọn tháng = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc : 24 ngày

x

Tỷ lệ hưởng (%)

x

Số ngày nghỉ

Trong đó: – Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản này. – Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.”

So với hiện hành, Thông tư 06/2021 bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau một tháng.

3. Thay đổi về tiền lương tính hưởng chế độ ốm đau

Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung thêm đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo NLĐ vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. 

Trước 01/9/2021: Mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng người lao động nghỉ ốm đau.

4. Làm rõ trường hợp hưởng trợ cấp một lần khi sinh con với lao động nam

Căn cứ vào Khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2021, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 như sau: “Trường hợp người mẹ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015 thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật BHXH”. Việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ quy định về trợ cấp một lần khi sinh con tại Điều 38 Luật BHXH.

Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Mức trợ cấp 01 lần = 2 tháng lương cơ sở / con

Trong khi đó, tại Thông tư 59/2015, người chồng chỉ được nhận trợ cấp 01 lần khi vợ sinh con nếu thuộc một trong 02 trường hợp sau: – Chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con. – Người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Ngoài ra, việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với NLĐ nam, người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015.

Căn cứ theo khoản 7 Điều 1 của Thông tư 06/2021 cũng bổ sung quy định về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nam khi vợ sinh con theo khoản 2 điều 34 Luật BHXH. Theo đó nếu nghỉ nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định.

5. Thay đổi mức hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi

Đây cũng là một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư này. Căn cứ theo Khoản 6 Điều 1 Thông tư 06/2021 sửa đổi: Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.”

Theo đó, chế độ thai sản được tính theo số lượng con mà lao động nữ đã sinh ra, không kể còn sống hay đã chết.

Còn tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BLĐTBXH đang áp dụng hiện nay, lao động mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản chỉ giải quyết đối với con còn sống nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ vẫn được tính theo số con được sinh ra.

6. Nghỉ phép năm trùng với thời gian nghỉ thai sản

Căn cứ theo Khoản 7 Điều 1 của Thông tư 06/2021 bổ sung hướng dẫn trường hợp thời gian hưởng chế độ thai sản trùng với phép năm như sau:

Cụ thể, khi tính thời gian hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; thời gian lao động nam nghỉ khi vợ sinh con đối với trường hợp NLĐ đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì: – Thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ; – Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH.

Đây là quy định hoàn toàn mới mà trước đó Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chưa hề đề cập.

7. Về nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Căn cứ theo Khoản 8 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung quy định: “Khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH là khoảng thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe của NLĐ chưa phục hồi.”

Việc bổ sung nội dung này nhằm hướng quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật BHXH, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Đồng thời, bổ sung rõ về quy định: Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định tại Điều 40 Luật BHXH thì không giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con.

Trước đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

8. Điều kiện hưởng lương hưu với người bị tước quân tịch hoặc danh hiệu CAND

Căn cứ theo Khoản 13 Thông tư 06/2021 bổ sung khoản 5 vào Điều 15 Thông tư 59/2015 như sau:

” NLĐ quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH bị tước quân tịch hoặc tước danh hiệu công an nhân dân thì điều kiện hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 và khoản 1 Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 và hướng dẫn tại Thông tư này”

Như vậy, trường bị tước quân tịch hoặc danh hiệu công an nhân dân nếu đáp ứng đủ các điều kiện như với NLĐ bình thường thì được hưởng lương hưu. (Trong khi đó, nếu không bị tước quân tịch, danh hiệu công an nhân dân thì những người này có thể về hưu trước tuổi tới 5 năm theo khoản 2 Điều 54 Luật BHXH).

Đây cũng là một trong những bổ sung cần thiết để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình áp dụng luật hiện nay.

9. Bổ sung quy định về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu

Căn cứ tại Khoản 19 Điều 1 Thông tư 06/2021 bổ sung khoản 3a sau Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015 như sau:

” Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Riêng đối với NLĐ có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP.”

10. Sửa một số quy định để phù hợp với Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn

– Chẳng hạn, từ ngày 01/01/2021, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động của NLĐ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động. (khoản 1 Điều 16 Thông tư 59/2015) – Từ ngày 01/01/2021 trở đi, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 135/2020/NĐ-CP. (khoản 1 Điều 17 Thông tư 59/2015)

11. Bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

Căn cứ tại Khoản 23 Điều 1 Thông tư 06/2021 đã bổ sung thêm quy định liên quan đến việc xét tuổi của thân nhân người lao động để hưởng chế độ tuất hằng tháng. Thời điểm xem xét tuổi trong trường hợp này (khoản 2 điều 67 của Luật BHXH) được xác định là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết, nếu hồ sơ không có ngày tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.

Đồng thời, Thông tư này cũng nêu rõ, thân nhân người lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn được hưởng trợ cấp theo quy định. Ngoài ra, người lao động đang tham gia hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH đồng thời là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi chết thì thân nhân của người đó được lựa chọn giải quyết chế độ tử tuất với mức hưởng cao hơn của một trong hai đối tượng trên khi chết.
0 0 votes
Article Rating

Tags :

Labor-Social Securities, Tax – Accounting – Finance, Tin tức – Sự kiện mới

Share This :

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

222
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x