HÓA ĐƠN ĐẦU RA SAI THUẾ SUẤT XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Tax – Accounting – Finance

Những trường hợp bên bán xuất hóa đơn đầu ra sai thuế suất thuế GTGT, bên mua nhận hóa đơn ghi sai thuế suất không chỉ ảnh hưởng đến việc thanh toán mà còn liên quan trực tiếp tới khâu nộp thuế và khấu trừ thuế của các bên. Kế toán cần xử lý như thế nào nếu viết sai thuế suất trên hóa đơn? Thông tư 39/2014/TT-BTC và Thông tư 219/2013/TT-BTC đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

I. Quy định về thuế suất trên hóa đơn:

Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC, việc ghi và tính thuế suất trên hóa đơn được quy định:

“…Khi lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ giá bán chưa thuế, thuế suất và tổng số tiền người mua phải thanh toán. Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán trên hóa đơn (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.”

Vì vậy, khi lập hóa đơn, người bán phải ghi đúng thuế suất trên hóa đơn. Đối với doanh nghiệp kê khai thuế theo phương pháp khấu trừ, nếu bán mặt hàng có thuế suất mà không ghi rõ giá chưa thuế, thuế suất và tiền thuế thì số tiền phải nộp sẽ được tính trên tổng giá thanh toán. Các trường hợp doanh nghiệp viết sai thuế suất cần xác định trường hợp cụ thể để xử lý.

II. Xử lý đối với hóa đơn giấy:

Căn cứ Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC, hóa đơn đầu ra ghi sai thuế suất sẽ được xử lý như sau:

1. Xử lý hóa đơn đầu ra sai thuế suất chưa xé khỏi cuống:

Trường hợp hóa đơn đầu ra viết sai thuế suất nhưng chưa xé khỏi cuống, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ lại số hóa đơn lập sai. Kế tiếp, người bán lập hóa đơn mới để thay thế hóa đơn lập sai.

2. Hóa đơn đầu ra viết sai thuế suất nhưng đã xé khỏi cuống:

Đối với trường hợp hóa đơn sai sót đã xé cuống, có 3 trường hợp xảy ra.
  • Nếu hóa đơn sai thuế suất đã xé, chưa giao cho khách hàng:
Trường hợp này, theo Khoản 1 Điều 20 của Thông tư 39/2014/TT-BTC, người bán kẹp liên vừa xé về vị trí cũ, gạch chéo 3 liên hóa đơn bị ghi sai thuế suất để thực hiện lưu giữ. Kế tiếp, người bán xuất hóa đơn mới để thay thế hóa đơn viết sai.
  •  Nếu hóa đơn đã xé cuống, đã giao cho khách hàng nhưng chưa kê khai thuế:
Theo Khoản 2 Điều 20 của Thông tư 39/2014/TT-BTC, người bán thực hiện theo các bước sau: – Bước 1: Hủy bỏ hóa đơn lập sai. Đồng thời, hai bên thỏa thuận và lập biên bản thu hồi các hóa đơn lập sai, trong đó phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn, ký tên và đóng dấu. – Bước 2: Gạch chéo các liên và lưu giữ lại hóa đơn lập sai. – Bước 3: Lập hóa đơn mới thay thế hóa đơn sai sót theo quy định. Lưu ý: Trường hợp này, người bán thực hiện kê khai thuế theo hóa đơn mới, không kê khai hóa đơn cũ sai sót.
  • Nếu hóa đơn đã xé cuống, đã giao cho khách hàng và đã kê khai thuế:
Theo Khoản 3 Điều 20 của Thông tư 39/2014/TT-BTC, trường hợp hóa đơn đã lập, đã giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế thì thực hiện như sau: – Bước 1: Hai bên thỏa thuận, lập biên bản điều chỉnh bằng văn bản ghi rõ sai sót, ký và đóng dấu xác nhận của cả hai bên.              – Bước 2: Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Lưu ý:                                                                                                                   + Trên hóa đơn ghi rõ điều chỉnh tăng / giảm thuế suất thuế GTGT, tiền thuế GTGT cho hóa đơn số…, ký hiệu….  + Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).  + Ngày trên hóa đơn điều chỉnh phải trùng khớp với ngày trên biên bản điều chỉnh.

III. Xử lý đối với hóa đơn điện tử:

Căn cứ Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, hóa đơn điện tử có sai sót về thuế suất sẽ được xử lý như sau: 1. Nếu hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua: Người bán thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử theo mẫu số 04/SS-HĐĐT, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. 2. Nếu hóa đơn điện tử sai sót về thuế suất đã gửi cho người mua: Có thể lựa chọn một trong hai cách xử lý sau đây:
  • Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót:
 – Bước 1: Lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót nếu các bên có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót.                                                                                                                                                   – Bước 2: Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.                                                                                Hóa đơn điện tử điều chỉnh phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
  • Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót:
Người bán lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn điện tử sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”. Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử sai sót sau đó gửi cho người mua (với hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn mới rồi gửi cho người mua (với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế). Lưu ý: Trường hợp có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn có sai sót thì các bên lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót trước khi người bán lập hóa đơn điện tử thay thế.

IV. Hướng dẫn kê khai thuế:

– Nếu là hóa đơn điều chỉnh tăng: Kê khai thuế như hóa đơn bình thường vào tờ khai của kỳ hiện tại. – Nếu là hóa đơn điều chỉnh giảm:
  • Bên bán: Kê khai âm vào tờ khai 01/GTGT hoặc trừ đi số tiền và tiền thuế tương ứng của hóa đơn điều chỉnh của tờ khai kỳ hiện tại.
  • Bên mua: Kê khai âm vào tờ khai 01/GTGT hoặc trừ đi số tiền và tiền thuế tương ứng của hóa đơn điều chỉnh của tờ khai kỳ hiện tại.

V. Hướng dẫn xác định số thuế GTGT phải nộp trong trường hợp hóa đơn đầu ra ghi sai thuế suất:

Tại Điểm b Khoản 5, Điều 12, Thông tư số 219/2013/TT-BTC có quy định về việc xác định số thuế GTGT phải nộp trong các trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất như sau:
  • Bên mua:

“Đối với các cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ:

 – Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT.           – Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán.                                 – Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.”

  • Bên bán:

“Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: Trường hợp cơ sở kinh doanh khi nhập khẩu hàng hóa đã khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, khi bán cho người tiêu dùng đã lập hóa đơn ghi thuế suất thuế GTGT trên hóa đơn GTGT bán ra đúng bằng với mức thuế suất thuế GTGT đã khai, nộp thuế ở khâu nhập khẩu nhưng mức thuế suất thuế GTGT đã khai (ở khâu nhập khẩu và khâu bán ra nội địa) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT và cơ sở kinh doanh không thể thu thêm được tiền của khách hàng thì số tiền đã thu của khách hàng theo hóa đơn GTGT được xác định là giá đã có thuế GTGT theo thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT để làm cơ sở xác định đúng số thuế GTGT phải nộp và xác định doanh thu tính thuế TNDN.”

 
0 0 votes
Article Rating

Tags :

Tax – Accounting – Finance

Share This :

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x