Dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua là một thách thức chưa từng có và tạo nên một áp lực lớn cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng các nước, các doanh nghiệp trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Tuy nhiên, với sự đoàn kết đồng lòng, đồng thuận của nhân dân và nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch ở nước ta đã và đang đạt được những thắng lợi đầu. Tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến khả quan, việc nới lỏng giãn cách xã hội tiến tới khôi phục dần các hoạt động là chìa khóa để khởi động lại guồng quay hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời là thời điểm để đất nước tiến vào giai đoạn mới trong việc thực hiện nhiệm vụ kép về phục hồi, phát triển kinh tế và tiếp tục chống dịch.
Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận xoay quanh các giải pháp xây dựng chính sách hỗ trợ, trong đó nổi bật là việc điều hành chính sách. Các chính sách tài khóa tập trung vào mục tiêu làm đòn bẩy thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những thách thức, tiếp cận các cơ hội để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
1. Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được áp dụng rộng rãi cho hầu hết doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Việc liên tục điều chỉnh mở rộng quy mô, đối tượng hỗ trợ được cơ quan soạn thảo căn cứ trên những đánh giá thực tế về tình hình, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tại từng thời điểm, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, các Bộ, ban, ngành có liên quan đã bắt tay vào thực hiện, triển khai tạo điều kiện tốt nhất để người nộp thuế được thực hiện gia hạn thuế, tiền thuê đất.
Các trường hợp được gia hạn theo đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình cá nhân hoạt động sản xuất và hoạt động kinh doanh. Các bạn hãy cùng tìm hiểu tại đây nhé!Theo báo cáo nhanh trên hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế, đến ngày 17/4 đã có hơn 14.500 hồ sơ nộp giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất; có trên 763.000 doanh nghiệp và trên 83.700 hộ/cá nhân kinh doanh đã có tài khoản khai thuế điện tử; trên 98% người nộp thuế đã thực hiện thủ tục khai thuế điện tử. Dự kiến số lượng hồ sơ đề nghị gia hạn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới sau khi các doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh chuẩn bị xong hồ sơ gia hạn. Có thể nói, chính sách này là chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới.
2. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ là những đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất bởi những biến động của nền kinh tế. Các nước trên thế giới luôn coi những chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đắc lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua những biến động của nền kinh tế. Đối với Việt Nam, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đến hơn 90% tổng số doanh nghiệp, vì vậy, nhu cầu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là vô cùng lớn và cấp bách trong bối cảnh hiện tại.
Đề xuất giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn 15% – 17%Đứng trước tình hình đó, Chính phủ đã có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020. Theo đó, chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ dự kiến sẽ được thực hiện ngay từ ngày 1/7/2020 năm nay, thay vì ngày 01/01/2021 như đề xuất trước đó. Cụ thể, dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ áp dụng thuế suất 15% đối với DN siêu nhỏ; thuế suất 17% đối với DN nhỏ; miễn thuế TNDN 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Với việc miễn giảm thuế cho DN nhỏ, siêu nhỏ như nội dung dự thảo, sẽ có khoảng 700 nghìn DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước, được hưởng lợi. Ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỉ đồng.
3. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp Chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện lần đầu theo luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993, sau đó nhiều lần điều chỉnh và mở rộng đối tượng được ưu đãi. Sau 20 năm thực hiện chính sách miễn giảm thuế, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2003-2018 vào khoảng 17.000 tỉ đồng đã góp phần khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích hình thức kinh tế trang trại, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp.
Để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, nhất là đối tượng cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Bộ Chính trị về việc cho phép tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2025. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp một cách thiết thực, giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống trong thời gian tới, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh toàn cầu gây ra. Uớc tính khoảng 7.500 tỷ đồng/năm là số tiền mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp sẽ được hưởng lợi trong trường hợp Dự án Nghị quyết này được thông qua. Đây là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp để mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất và nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm.
4. Điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) qua đó giảm nghĩa vụ thuế cho người dân Trên cơ sở quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, với chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 01/7/2013 là 123,2%, tăng 23,2% (Tổng cục Thống kê), việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) là phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân và phù hợp với tình hình hiện tại. Tại Tờ trình Chính phủ số 59/TTr-BTC ngày 3/4/2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Nghị quyết điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 09 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Với đề xuất này sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi (trong đó có khoảng 1 triệu người đang thuộc diện phải nộp thuế sẽ không phát sinh số thuế TNCN phải nộp), tương ứng với số thu thuế TNCN sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm. Việc điều chỉnh mức GTGC được đánh giá là chính sách hợp lý và thiết thực trong việc động viên, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế; tạo đòn bẩy thúc đẩy, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập, đồng thời, kích cầu chi tiêu gia đình, tang tiêu dung xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch NCOVID-19 đang có những tác động bất lợi đến nhiều mặt của nền kinh tế.
5. Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh, ngày 07/02/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra gồm các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang (vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun,…), nước sát trùng, bộ trang phục phòng chống dịch.
Không dừng lại ở đó, trong thời gian qua, các chính sách miễn giảm thuế cho hoạt động xuất nhập khẩu đã tiếp tục được nghiên cứu xây dựng sau khi liên tục lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Đặc biệt, hai Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đang được báo cáo với Chính phủ đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Quy định này nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện Quyết định số 155/QĐ-BTC nêu trên và một số giải pháp về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khác đang được nghiên cứu sửa đổi sẽ làm giảm thu Ngân sách Nhà nước trước mắt trên 6.000 tỷ đồng, tuy nhiên sẽ có tác động tích cực đến việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Những chính sách đã và đang xây dựng thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp trong sự nỗ lực khắc phục những hậu quả do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. Như Thủ tướng đã nhấn mạnh đây không phải là dịp “than nghèo kể khổ”, mà cần phát huy tinh thần yêu nước, khắc phục khó khăn đưa đất nước đi lên. Những chính sách trên về ngắn hạn có thể gây nên giảm thu ngân sách nhưng về dài hạn khi doanh nghiệp có cơ hội, điều kiện phát triển thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.
Phạm Văn Thiện
Leave a Reply